Có được đồng sở hữu nhà với người nước ngoài hay không?
Như vậy phải đủ tất cả các điều kiện nêu trên thì người nước ngoài mới được quyền sở hữu căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà thương mại
Hỏi: Tôi và bạn trai, quốc tịch Anh, dự định mua một căn hộ ở Tp.HCM. Anh ấy muốn hai người cùng đứng tên sở hữu tài sản này. Việc này có được không? Thủ tục như thế nào?
Người yêu tôi hiện chủ yếu sống ở nước ngoài. Tôi rất mong nhận được tư vấn của quý báo và độc giả. Chân thành cảm ơn!
(Hoàng Lan)
– Trả lời:
1. Điều kiện để người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
Khoản 2 Điều 65 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở quy định: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư thì được sở hữu nhà ở theo quy định của Luật nhà ở. Trường hợp mua nhà ở tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở theo quy định của Nghị Quyết 19/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam…”.
Nghị Quyết 19/2008/QH12 quy định về các điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
1. Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;
2. Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quyết định;
3. Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế – xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu;
4. Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam….”.
Điều kiện để cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà: Phải là người đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Như vậy nếu bạn trai của bạn không thuộc một trong các đối tượng nêu trên hoặc không có đủ điều kiện theo quy định trên thì sẽ không được mua, sở hữu nhà tại Việt Nam.
Trường hợp bạn và bạn trai đã đăng ký kết hôn thì sẽ được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 19 thì: Tại một thời điểm, cá nhân nước ngoài quy định tại Nghị quyết này được sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại; nếu đối tượng này được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở khác thì chỉ được chọn sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển”.
Như vậy phải đủ tất cả các điều kiện nêu trên thì người nước ngoài mới được quyền sở hữu căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà thương mại tại Việt Nam.
2. Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam
Điều 8 của Nghị quyết 19 quy định như sau:
– Về thẩm quyền: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
– Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị; Bản sao các giấy tờ chứng minh tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 và đủ điều kiện quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này; Bản chính hợp đồng mua bán, tặng cho, giấy tờ về thừa kế nhà ở; Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên bán, bên tặng cho, bên để thừa kế theo quy định của pháp luật về nhà ở; Biên lai nộp thuế, lệ phí”.
– Trình tự, thủ tục: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nộp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho UBND tỉnh để cấp Giấy chứng nhận.
Như vậy, nếu người nước ngoài có đủ các điều kiện nêu trên thì thuộc trường hợp được mua, sở hữu nhà tại Việt Nam và sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.
Leave a Reply